Tiêu chuẩn của phòng ấp trứng phải đảm bảo sự thông thoáng. Phòng ấp được lắp đặt hệ thống tự động gia nhiệt đảm bảo nhiệt độ/độ ẩm ổn định và khô thoáng, hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.
Các máy ấp được bố trí đặt cách nhau ít nhất 50 cm và cách tường ít nhất 30 cm để đảm bảo độ thông thoáng và thoát khí cho máy ấp.
Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vệ sinh thú y cơ sở ấp trứng gia cầm: QCVN 01 - 82: 2011/BNNPTNT.
Trước khi đưa trứng vào phòng ấp cần vệ sinh, khử trùng bằng các hóa chất sau:
- Vệ sinh khử trùng tường, nền nhà, vỏ máy, bàn ghế, rửa tay và các loại dụng cụ bằng cách: Virkon S pha với nước theo tỷ lệ 1%.
- Vệ sinh khử trùng máy ấp nở: dùng 18 ml formol + 9 g KMnO4 (thuốc tím) cho 1 m3 thể tích buồng máy ấp. Cho KMnO4 vào chậu thủy tinh, sau đó đổ từ từ formol vào, bịt kín các lỗ thông gió và đóng cửa máy ấp khoảng 1 giờ, sau đó lấy chậu thủy tinh ra. Hết thời gian xông, mở cửa máy khoảng 1 - 2 giờ, sau đó đóng cửa máy lại.
Phun sát trùng các khu vực xung quanh phòng ấp bằng hỗn hợp: formol 2%, Virkon S 1%.
2. Máy ấp trứng chim yến
Dựa trên nguyên lý cấu tạo máy ấp trứng gia cầm kết hợp với nghiên cứu đặc trưng về hình thái và đặc điểm của trứng chim yến, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nghiên cứu và chế tạo máy ấp trứng chim yến hoàn toàn tự động, công suất 1.000 - 3.000 trứng. Cấu tạo gồm các phần chính sau: vỏ máy, bảng điều khiển, giá đỡ khay và khay đựng trứng, hệ thống đảo, hệ thống nhiệt, hệ thống ẩm, hệ thống thông thoáng và hệ thống bảo vệ.
Thiết kế, chế tạo máy ấp trứng chim yến khác so với máy ấp trứng dùng trong ấp trứng gia cầm. Máy ấp trứng chim yến tự động hoàn toàn, biên độ dao động nhiệt thấp với độ sai số ± 0,1oC, chế độ đảo trứng tự động, khay đựng trứng phải phù hợp với kích thước trứng.
Qua các năm tiến hành ấp nở nhân tạo trứng chim yến từ năm 2006 đến nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã không ngừng hoàn thiện và chế tạo những máy ấp trứng mới đáp ứng yêu cầu và đạt tỷ lệ nở cao.
Các thông số kỹ thuật được cài đặt một cách linh hoạt qua bảng điều khiển và thể hiện trên màn hình LCD, tự động điều khiển mọi hoạt động của máy.
Khay đựng trứng thiết kế vừa giữ trứng an toàn vừa tạo độ thông thoáng và hoạt động theo nguyên tắc đảo trứng tự động. Hệ thống quạt cấp khí và quạt hút khí được bố trí theo phương pháp đối lưu khí đảm bảo độ thông thoáng và hạn chế các loại khí thải ra trong quá trình ấp lưu lại trong máy.
Hình: Máy ấp trứng chim yến do Công ty Yến sào Khánh Hòa nghiên cứu, chế tạo
Hình: Máy nở trứng chim yến do Công ty Yến sào Khánh Hòa nghiên cứu, chế tạo
3. Thu hoạch, vận chuyển và chọn trứng để ấp
3.1 Thu hoạch trứng
Trứng chim yến được thu nhận nhiều đợt tại các hang yến, nhà yến. Khi thu hoạch trứng cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Thu hoạch trứng chim yến cần phải nhẹ nhàng, khéo léo và cẩn thận vì vỏ trứng yến rất mỏng và dễ vỡ.
- Nên sử dụng găng tay y tế để nhặt trứng.
- Trứng sau khi thu hoạch cần kiểm tra sơ bộ để loại bỏ các trứng dập vỡ, dính bẩn, dính nước và dính trứng vỡ. Trứng đạt yêu cầu xếp vào hộp đựng trứng chuyên dụng, vận chuyển về cơ sở ấp nuôi nhân tạo.
3.2 Vận chuyển trứng về cơ sở ấp
Sau khi thu trứng và kiểm tra phân loại, trứng đạt tiêu chuẩn được xếp vào các khay đựng trứng, đặt vào thùng vận chuyển trứng. Thùng đựng trứng được thiết kế có nhiều khay với khoảng cách phù hợp, khay đựng trứng làm bằng tấm mút xốp có đục lỗ bằng kích thước của quả trứng. Thùng đựng trứng được vệ sinh thường xuyên, sát trùng bằng Virkon S 2% trước khi dùng để vận chuyển trứng.
Hình: Thùng đựng trứng chim yến
Khi xếp trứng vào khay cần chú ý xếp đầu tù có buồng khí hướng lên trên và đầu nhọn xuống dưới. Đặt thùng đựng trứng lên bề mặt cân bằng, không xếp chồng nhiều thùng lên nhau.
Thời gian vận chuyển được theo dõi, tính toán và lưu giữ số liệu. Nếu di chuyển khoảng cách xa thì tránh đi vào những giờ nắng nóng, khi vận chuyển bằng các phương tiện cơ giới cần hạn chế xóc, lắc… làm ảnh hưởng đến phôi của trứng.
Khi trứng tới trạm ấp tại khu vực giao nhận, kiểm tra các khay trứng, tách riêng các trứng bẩn còn sót, các trứng bị dập, vỡ trong quá trình vận chuyển. Kiểm tra, phân loại từng loại trứng: trứng mới đẻ (trứng trắng), trứng đã ấp (hồng) và trứng sắp nở (trứng già) để bố trí chế độ ấp phù hợp.
Sau khi nhận, ghi vào sổ nhập trứng các số liệu: ngày, tháng, giờ nhập trứng, nguồn gốc trứng, số lượng, thời gian thu nhặt.
Bảo quản trứng
Tiến hành bảo quản trứng khi trứng đưa về chưa đưa vào ấp ngay được (giảm tải cho máy ấp, kéo dài thời gian nở của trứng…) đối với trứng chim mới đẻ.
Trên thực tế, trứng chim yến mới đẻ có thể lưu giữ trứng 2 - 4 ngày ở nhiệt độ phòng, trứng đã được chim ấp thì chỉ giữ được 24 giờ. Độ ẩm không khí trong phòng bảo quản nên duy trì ở mức khoảng 70%. Nếu độ ẩm quá thấp trứng sẽ mất nước, còn nếu độ ẩm quá cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào trứng. Thông thường, trứng được bảo quản trong vòng 24 giờ, sau đó sẽ chuyển trứng vào máy ấp.
3.3 Chọn trứng để ấp
Trước khi xếp trứng vào khay ấp, trứng yến phải được chọn lại, loại bỏ những quả không đủ tiêu chuẩn. Trứng đưa vào ấp ở các giai đoạn phát triển khác nhau, thường chia làm 3 loại:
- Trứng trắng: mới đẻ hoặc đẻ 1 - 5 ngày, chim chưa ấp, nhìn rõ buồng khí ở đầu tù.
- Trứng hồng: chim đã ấp 3 - 7 ngày, không nhìn thấy buồng khí, khi soi thấy có màu hồng, mạng mạch máu bắt đầu phát triển;
- Trứng già: chim đã ấp được 2 - 3 tuần, vỏ màu trắng đục và hơi đen, buồng khí hoàn toàn không nhìn thấy, khi soi có thể thấy chim con chuyển động.
Hình: Soi trứng kiểm tra trước khi đưa vào ấp
a) Kỹ thuật soi kiểm tra trứng và phân loại dựa vào các tiêu chí sau:
Dựa vào các chỉ tiêu bên ngoài:
- Về hình dáng: chọn trứng có hình trứng điển hình, đều màu (hình ovan thon đều, đầu tù (có buồng khí) lớn hơn đầu nhọn). Loại bỏ các trứng dị hình, quá dài, quá ngắn, méo, lệch, thắt lưng…
- Về chất lượng vỏ trứng: chọn những trứng có chất lượng vỏ tốt, dày, cứng, nhẵn và đều màu. Loại bỏ các trứng vỏ quá mỏng, rạn nứt hoặc sần sùi… vì các loại vỏ này sẽ dẫn đến thoát hơi nước nhiều trong khi ấp làm chết hoặc yếu phôi.
- Về vệ sinh vỏ trứng: chỉ nên chọn những trứng sạch, loại bỏ các trứng bẩn, dính phân, dính nước hoặc trứng dập vỡ.
Soi trứng kiểm tra chất lượng bên trong trứng:
- Đối với trứng trắng, loại các trứng có đặc điểm sau:
+ Buồng khí quá lớn (lớn hơn 1/3 thể tích trứng).
+ Trứng có buồng khí di động hoặc quá lệch.
+ Trứng có lòng đỏ di động quá xa tâm trứng (lòng trắng đã loãng) hoặc rơi xuống đầu nhọn của trứng (đứt dây chằng).
+ Trứng có lòng đỏ méo, màu không đồng đều, vẩn đục (lòng đỏ bị vỡ và trộn lẫn với lòng trắng).
+ Trứng bên trong có màu đen (trứng thối).
- Đối với trứng phôi đã phát triển (chim đã ấp được một thời gian) loại các trứng có đặc điểm sau:
+ Có vệt hoặc điểm tụ máu (do mạch máu bị đứt).
+ Trứng không thấy tim phôi đập (với trứng đã ấp được 3 - 7 ngày).
+ Trứng khi lắc nhẹ không thấy phôi di động (đối với trứng ấp trên 7 ngày) do phôi đã chết.
+ Trứng bên trong có màu chuyển sang vàng xanh xám (do phôi đã chết và bắt đầu thối).
+ Trứng có mạng mạch máu nhỏ, mờ nhạt (phôi phát triển kém).
Trứng có vệt máu Trứng bị dập Trứng quá nhỏ và dính nước
Trứng không đảm bảo tiêu chuẩn
b) Kỹ thuật xếp trứng vào khay
- Đặt khay ấp trứng trên bàn, chèn mút mềm vào hai bên rãnh của khay trứng.
- Xếp từng trứng đã chọn vào các rãnh của khay, xếp trứng đứng thẳng, đầu tù có buồng khí hướng lên trên và đầu nhọn xuống dưới.
- Sau khi xếp xong mỗi khay phải ghi vào thẻ và cài đầu khay các số liệu:
+ Số trứng trong khay.
+ Nguồn gốc trứng (nơi thu trứng).
+ Loại trứng (trứng trắng, hồng hay già).
+ Ngày đưa trứng vào ấp.
+ Vị trí khay trong máy ấp.
+ Ngày nở dự kiến.
Hình: Xếp trứng vào khay máy ấp
4. Kỹ thuật đưa trứng vào máy ấp
- Điều chỉnh nhiệt độ trong máy ấp bằng với nhiệt độ phòng chọn trứng.
- Cho bộ phận tạo ẩm của máy ngừng hoạt động.
- Bật công tắc đảo để tất cả các giàn đựng trứng của khay trở về vị trí nằm ngang.
- Mở cửa máy ấp tối đa để dễ dàng thao tác đặt khay trứng vào máy.
- Lần lượt chuyển khay trứng vào trong máy ấp đã cài đặt chế độ ấp phù hợp. Đặt các khay trứng ấp vào giá đỡ theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Hình: Các khay trứng được xếp vào máy ấp
- Sau khi đã chuyển các khay trứng vào máy phải kiểm tra vị trí các khay. Nếu khay trứng không khớp, khi máy đảo sẽ bị kẹt làm hỏng trứng và khay.
- Khi vào trứng, nếu có trứng vỡ thì phải rút ra đổi ngay. Nếu trứng rơi vỡ ở sàn cần lau dọn ngay, không để khô dính vào sàn máy.
- Bật công tắc đảo kiểm tra hoạt động đảo trứng.
- Đóng cửa máy và lỗ thoát khí để nhiệt độ máy tăng. Điều chỉnh nhiệt độ tăng dần: 30 phút tăng lên 0,5oC. Khi nhiệt độ đạt mức yêu cầu thì bật công tắc cho bộ phận tạo ẩm hoạt động trở lại. Điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho các giai đoạn phát triển của trứng ấp được cho trong bảng 2.2.
Bảng: Chế độ ấp trứng qua các giai đoạn phát triển của phôi
TT
|
Độ tuổi phôi
|
Nhiệt độ (oC)
|
Độ ẩm (%)
|
1
|
Trứng mới đẻ
|
36,3 - 36,5
|
60 - 65
|
2
|
1 - 5 ngày tuổi
|
36,3 - 36,5
|
65 - 70
|
3
|
6 - 11 ngày tuổi
|
35,8 - 36,3
|
70 - 75
|
4
|
12 - 19 ngày tuổi
|
35,5 - 35,8
|
75 - 80
|
5
|
Trứng nở
|
35,5 - 35,8
|
80 - 85
|
5. Kiểm tra sự phát triển của phôi trong quá trình ấp
Thời gian ấp nở của trứng chim yến gần tương tự thời gian ấp nở trứng gà (22 - 23 ngày), vì vậy việc kiểm tra sự phát triển của phôi được thực hiện tại các ngày thứ 6, 11 và 19 ngày tuổi.
a) Soi trứng kiểm tra sự phát triển của phôi sau 6 ngày ấp
Trong tuần ấp đầu, túi lòng đỏ phát triển và lớn rất nhanh. Hệ thống mạch máu của nó cũng như vậy nên khi soi kiểm tra có thể thấy các mạch máu đã bao bọc một nửa lòng đỏ. Nhờ hệ thống mạch máu này phôi có thể lấy được oxy và các chất dinh dưỡng từ lòng đỏ.
Khi soi trứng sau 6 ngày ấp, màng niệu nang đã bắt đầu lớn và bám vào mặt trong của trứng (gần buồng khí). Đã có thể quan sát thấy một mạng mạch máu nằm phía trên túi nước ối.
Hình: Trứng sau 6 ngày ấp
Đặc điểm của phôi phát triển tốt sau 6 ngày ấp
- Bình thường không nhìn thấy phôi, chỉ khi xoay trứng mạnh hoặc túi nước ối co bóp mới có thể quan sát thấy, phôi lớn nằm chìm sâu trong lòng đỏ.
- Túi nước ối lớn nên chỗ phôi nằm có màu trắng đục mờ. Hệ thống mạch máu của lòng đỏ phát triển mạnh, các mạch máu to và căng đầy nên trứng có màu hồng.
- Trứng có buồng khí nhỏ. Khi bị soi nóng phôi di động nhanh, mạnh và chìm sâu vào trong trứng, do đó phải xoay mạnh mới thấy được phôi.
Đặc điểm của phôi phát triển yếu sau 6 ngày ấp
- Vì lòng đỏ tan ít, phôi nhỏ. Phôi nhẹ, không chìm sâu trong lòng đỏ mà nằm gần vỏ nên nhìn thấy phôi rất rõ. Túi nước ối nhỏ, hệ thống mạch máu ở lòng đỏ phát triển yếu: các mạch máu nhỏ, ít máu nên khi soi thấy trứng có màu hồng nhạt.
- Đôi khi buồng khí khá lớn, khi soi đèn mặc dù nóng nhưng do phôi yếu và nhẹ nên không thể di động mạnh hoặc chìm sâu vào trong trứng.
Nguyên nhân gây chết phôi nhiều trong thời kỳ này
- Ấp trứng đã bảo quản quá nhiều ngày.
- Trứng ấp không được bảo quản tốt trước khi ấp.
- Chế độ ấp không thích hợp, chủ yếu do nhiệt độ quá cao.
b) Soi trứng kiểm tra sự phát triển của phôi sau 11 ngày ấp
Sau thời kỳ phôi hình thành, các cơ quan có cường độ phát triển lớn nhất tiếp sau thời kỳ phôi, đòi hỏi một lượng thức ăn và oxy lớn hơn nhiều lần mặc dù cường độ phát triển giảm dần, túi lòng đỏ và màng niệu nang lớn nhanh và hoạt động tích cực. Trong thời kỳ này phôi có mối liên quan đặc biệt với môi trường thông qua màng niệu nang và hệ thống mạch máu của nó. Vì vậy sự phát triển của màng niệu nang là một dấu hiệu đáng kể để đánh giá sự phát triển của phôi trong thời gian này.
Dấu hiệu đặc trưng của phôi phát triển tốt sau 11 ngày ấp là màng niệu nang đã khép kín ở phía đầu nhọn của trứng bao bọc toàn bộ bên trong trừ buồng khí và các mạch máu của nó phải nhiều, to và căng.
Hình: Trứng sau 11 ngày ấp
Tỷ lệ và chất lượng chim con nở ra từ những trứng có màng niệu nang khép kín lại đúng thời gian cao hơn nhiều so với những trứng màng niệu nang khép kín chậm, không khép kín hoặc khép kín nhưng còn lòng trắng ở ngoài.
Các đặc điểm để nhận biết phôi đã bị chết trong thời kỳ này là:
- Phôi không chuyển động khi soi.
- Trứng có màu nâu sẫm do các mạch máu đã bị phá vỡ.
- Không còn nhìn thấy hình mạch máu hoặc hình mạch máu bị nhoà đi do bị vỡ.
Các trứng có phôi phát triển yếu, ngoài đặc điểm màng niệu nang hở, còn gặp nhiều mạng mạch máu của nó mờ do các mạch máu nhỏ và ít máu. Phôi nhỏ và chuyển động yếu.
Cần chú ý khi tiến hành kiểm tra sự phát triển của phôi lần một và lần hai phải làm nhanh, sao cho thời gian trứng ở ngoài máy ấp ít nhất. Cho tới lúc này phôi chưa toả nhiều nhiệt, ở lâu ngoài máy trứng bị mất nhiệt quá nhiều sẽ làm cho phôi bị phát triển chậm.
c) Soi trứng kiểm tra sự phát triển của phôi sau 19 ngày ấp
Đây là lần kiểm tra thứ ba, được làm vào lúc trước khi chim bắt đầu nở.
Dấu hiệu đặc trưng của trứng đã chuẩn bị tốt để nở là khi soi đầu nhọn của trứng thấy đã tối sẫm hoàn toàn. Điều này chỉ ra rằng phôi đã dùng hết lòng trắng, không còn chút nào ở đầu nhọn. Như vậy lòng đỏ cũng được sử dụng nhiều vì sau khi hết lòng trắng thì các chất dinh dưỡng trong túi lòng đỏ là nguồn cung cấp thức ăn duy nhất cho phôi. Đồng thời nó cũng cho biết phôi lớn nằm chiếm hết toàn bộ khoang của trứng (trừ buồng khí) lấp kín phía đầu nhọn của trứng.
Một dấu hiệu khác để nhận biết mức độ phát triển của phôi trong giai đoạn giữa của quá trình ấp là sự bay hơi nước của trứng. Nếu trong giai đoạn giữa của quá trình ấp (11 - 19 ngày ấp) phôi phát triển tốt thì buồng khí sẽ chiếm khoảng 1/3 thể tích trứng.
Hình: Trứng sau 19 ngày ấp
Khi soi trứng sau 19 ngày ấp có thể chia làm 4 loại theo mức độ phát triển khác nhau.
- Loại thứ nhất: gồm những trứng khi soi thấy màng niệu nang gần buồng khí tối sẫm, đầu nhọn của trứng tối sẫm, buồng khí tương đối lớn và thấy rõ cổ của chim con ngọ nguậy bên trong. Đây là loại tốt nhất vì phôi đã phát triển hoàn chỉnh và trứng sẽ nở toàn bộ. Lô trứng tốt, chế độ ấp phù hợp thì trứng loại này phải chiếm tỷ lệ cao.
- Loại thứ hai: gồm những trứng soi thấy màng niệu nang tiếp giáp với buồng khí và đầu nhọn của trứng đều tối sẫm nhưng cổ của chim con chưa nhô lên buồng khí. Nhìn chung có lý do nào đó khiến sự phát triển của phôi bị chậm lại vào những ngày cuối. Thường thường buồng khí của những trứng này nhỏ hơn so với trứng loại thứ nhất. Tỷ lệ nở của loại trứng này nói chung là tốt nhưng sẽ nở chậm hơn bình thường.
- Loại thứ ba: gồm những trứng mà cổ của chim con đã nhô lên buồng khí nhưng khi soi còn thấy sáng ở đầu nhọn của trứng. Có hai khả năng:
- Do chim con ở trong trứng dùng chân đạp nhô đầu và cổ lên buồng khí quá mạnh làm nhấc cả mình lên và cách khỏi đầu nhọn của trứng một ít. Vì thế khi soi thấy đầu nhọn trứng còn sáng. Thực ra đây là những trứng thuộc loại thứ nhất nhưng bắt đầu hơi sớm các hoạt động để mổ vỏ ra ngoài. Tuy nhiên màng niệu nang chỗ gần buồng khí lớn của các trứng này tối sẫm chứng tỏ đã teo khô. Tỷ lệ nở của các trứng này cũng rất tốt như những trứng thuộc loại thứ nhất.
- Đầu nhọn của trứng khi soi còn thấy sáng do ở đó còn lòng trắng nhưng vì một số lý do nhất định (ví dụ như nhiệt độ cao kéo dài) những trứng này bắt đầu nở sớm. Thông thường, màng niệu nang chỗ tiếp giáp với buồng khí hãy còn sáng và còn thấy mạch máu đang hoạt động. Các trứng này có tỷ lệ chết phôi khá cao. Phần lớn trứng mổ vỏ rồi nằm đấy hoặc chim con nở ra còn túi lòng đỏ nằm ngoài khoang bụng hoặc hở rốn.
- Loại thứ tư: gồm những trứng mà phôi chuẩn bị điều kiện để nở rất kém. Đầu nhọn của trứng khi soi còn sáng, cổ của phôi cũng chưa nhô lên buồng khí. Mép buồng khí có một đường ranh giới thẳng và rất rõ. Thường ở phía dưới mép này vẫn còn quan sát thấy các mạch máu của màng niệu nang chưa bị teo đi. Buồng khí nhỏ. Những trứng này nở rất kém, chim nở ra xấu và yếu. Nhiều trứng không nở. Vì vậy khi ấp phải điều chỉnh chế độ ấp sao cho không có loại trứng này trong máy.
6. Kỹ thuật chuyển trứng từ máy ấp sang máy nở
Khi trứng ấp khoảng 19 ngày tiến hành soi kiểm tra và chuyển trứng sang máy nở. Công việc này phải làm nhanh gọn trong thời gian ngắn nhất có thể. Khi làm cần cẩn thận, nhẹ nhàng vì vỏ trứng giai đoạn này giòn và dễ bị vỡ.
Máy phải được vệ sinh và xông sát trùng theo quy định, cho máy chạy không tải 12 tiếng trước khi chuyển trứng để kiểm tra các hoạt động của máy. Khi bắt đầu chuyển trứng thì tắt công tắc không cho bộ phận tạo ẩm làm việc.
* Các điều kiện cần thiết:
- Trước cửa máy nở đặt: đèn soi, bàn chuyển trứng, dụng cụ vệ sinh, thùng rác.
- Tắt các quạt gió, đóng các cửa lớn và cửa sổ ở phòng máy ấp, phòng máy nở.
- Phòng máy nở đóng kín cửa và tắt đèn để tăng độ chính xác khi soi loại trứng.
- Để bộ phận cấp nhiệt của máy nở hoạt động bình thường.
* Lấy trứng ra khỏi máy ấp:
- Tạm thời tắt bộ phận tạo ẩm của máy.
- Bật công tắc cho bộ phận đảo trứng đưa các khay trở về vị trí nằm ngang.
- Mở rộng cửa máy ấp để dễ quan sát và lấy khay trứng ra.
- Theo số thứ tự, lần lượt rút các khay trứng ra khỏi giá đỡ và xếp lên xe chở khay ấp theo thứ tự đó.
- Đóng cửa máy ấp, bật công tắc đảo cho các khay về vị trí nằm nghiêng.
- Bật công tắc cho bộ phận tạo ẩm hoạt động trở lại.
- Đẩy bàn đặt các khay trứng ấp tới trước cửa máy nở, chuyển vào máy nở.
* Soi loại trứng hỏng và chuyển trứng ấp sang khay nở:
Trước khi đưa trứng vào máy nở người ta soi loại các trứng không phôi, các trứng chết phôi, trứng dập…
- Nhặt trứng từ khay ấp sang khay nở, trứng được giàn đều trên mặt khay nở.
- Rút thẻ đánh dấu khay từ khay ấp và cài sang khay nở.
- Ghi vào biểu mẫu số trứng đã được chuyển sang máy nở.
* Đưa trứng vào máy nở:
- Theo thứ tự, đưa các khay nở có trứng vào vị trí của nó trong máy. Làm cẩn thận nhẹ nhàng vì vỏ trứng giai đoạn này rất dễ vỡ.
- Khi đã chuyển trứng vào hết máy nở thì đóng cửa máy lại.
- Theo dõi nhiệt độ của máy nở, khi đạt nhiệt độ yêu cầu thì cho bộ phận tạo ẩm hoạt động trở lại.
Hình: Kỹ thuật viên bắt chim non ra khỏi máy nở
- Trước khi chuyển tổ mô phỏng có chim con vào thùng, phải quan sát kỹ các bộ phận của chim như mỏ, mắt, chân, móng và rốn chim, sau đó đánh số thứ tự và ký hiệu lô cho từng chim con. Để riêng những con có khuyết tật để nuôi dưỡng phù hợp.
- Ghi chép chi tiết kết quả nở của từng khay và ghi vào biểu mẫu: số khay, số trứng không nở, số chim con loại I, loại II.
- Khi thùng đựng chim đã xếp đủ chim con thì đậy nắp lại và ghi các số liệu: xuất xứ trứng, số lô, ngày nở, số lượng chim, loại chim, người chọn chim.
- Nhặt các trứng không nở ở trong khay nở bỏ vào khay nhựa đặt ở bên cạnh. Vỏ trứng còn lại trong khay nở trút vào thùng rác.
- Khay nở không trứng xếp trở lại vị trí cũ trong máy hoặc chuyển thẳng ra khu vệ sinh.
- Sau khi đã lấy hết chim con ra khỏi máy thì tắt máy để thu dọn và làm vệ sinh.
- Chuyển các thùng chim con sang khu vực phòng úm chim con.
7. Kiểm tra, phân loại và đánh giá chất lượng chim con
Kết quả của một đợt ấp là chim con nở ra. Vì vậy khi bắt chim con có thể đánh giá một cách tương đối toàn diện chất lượng trứng ấp, điều kiện bảo quản, chế độ ấp…
Khi lấy chim con ra khỏi máy trước tiên cần quan sát màu của vỏ trứng còn trong khay. Vỏ trứng sạch không có vết bẩn màu xanh hoặc nâu chứng tỏ chim nở tốt, rốn khép kín. Ngược lại vỏ trứng trông nhem nhuốc, mang nhiều viết bẩn màu xanh, nâu, đỏ, vàng và dính thì chắc chắn có nhiều trứng không nở, chim con yếu, rốn hở nhiều.
Qua vết mổ vỏ và kích thước của mảnh vỏ trứng cũng có thể đánh giá một phần chế độ ấp đã được sử dụng vì nó chỉ vị trí phôi nằm và độ bay hơi nước của trứng.
Việc đánh giá chất lượng chim nở ra chỉ nên làm khi chim đã khô da và tách hoàn toàn khỏi vỏ trứng và bắt đầu hoạt động kêu đòi ăn. Nếu làm ngay khi chim mới nở, chim con còn yếu, ít hoạt động và còn ướt, dính một phần vỏ trứng, thì sẽ có nhiều chim con loại I bị đánh giá sai lầm thành loại II.
Khi bắt chim con phải cân chim con để biết chính xác độ bay hơi nước của trứng và sự sử dụng lòng trắng và lòng đỏ của phôi trong quá trình ấp. Trứng ấp tốt đạt tiêu chuẩn về khối lượng, chế độ ấp phù hợp thì khi nở ra chim con phải nặng trung bình từ 1,5 gr trở lên.
Một số tiêu chuẩn chọn chim loại I:
+ Da căng mịn, hồng hào.
+ Hai mắt nhắm chặt.
+ Mỏ lành lặn, đều, không bị lệch, vẹo, dị hình.
+ Hai bàn chân xòe ra đều, bốn móng chân bấm chặt xuống tấm lót tổ mô phỏng.
+ Rốn khô và khép kín, không bị sưng, viêm.
+ Bụng tròn, còn chứa khối noãn hoàng bên trong.
+ Khi chạm vào chim con, chúng ngóc đầu lên và há miệng kêu đòi ăn
+ Khối lượng trung bình phải đạt: 1,50 g trở lên.
Những chim con không đạt một trong các tiêu chuẩn trên là chim loại II.
8. Chuyển chim con sang khu vực nuôi
Chim con sau khi phân loại và xếp vào các thùng nuôi chim được đánh số thứ tự và ghi chú thông tin thì chuyển chim con sang phòng nuôi để chăm sóc.
Khi đến phòng nuôi chim con, kiểm tra lại toàn bộ chim con về tình trạng sức khỏe, vị trí các tổ treo, chim con có bò ra khỏi tổ hay không. Sau đó chuyển chim con vào máy úm chim con đã được cài đặt nhiệt độ phù hợp (khoảng 32,0 - 33,5oC).
Nguồn: Kỹ Thuật Nuôi Chim Yến – Khoa Học Và Thực Tiễn.