1. Yêu cầu chung
Khu vực nuôi chim con thuộc vùng khí hậu mát mẻ, không gần chợ, khu dân cư, các khu chăn nuôi gia cầm, gia súc. Cách xa những nơi ồn ào, nhiều tiếng động như nhà máy, đường xe lửa… Đặc biệt, phòng nuôi phải yên tĩnh, có nguồn nước sạch và nguồn điện ổn định.
2. Yêu cầu kỹ thuật đối với phòng nuôi chim
Trong khu ấp nuôi nhân tạo chim yến được phân chia thành nhiều phòng chức năng, bao gồm: phòng ấp, phòng nuôi chim con dưới 30 ngày tuổi, phòng nuôi chim con sau 30 ngày tuổi và nhà lưới tập bay.
Phòng nuôi chim con phải đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật về điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sự thông thoáng, tiêu chuẩn vệ sinh phòng nuôi, khoảng cách giá thể treo tổ mô phỏng… Yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo điều kiện nhiệt độ/độ ẩm ổn định 24/24 giờ. Để đáp ứng được điều đó phòng nuôi được lắp đặt hệ thống tự động gia nhiệt và kiểm soát nhiệt độ theo yêu cầu đề ra.
Bảng : Nhiệt độ, độ ẩm phòng nuôi chim con qua các giai đoạn
STT
|
Ngày tuổi
|
Nhiệt độ (oC)
|
Độ ẩm (%)
|
1
|
1 - 10
|
31,5 - 32,5
|
70 - 75
|
2
|
10 - 30
|
30,0 - 31,0
|
70 - 75
|
3
|
30 - rời tổ
|
28,0 - 30,0
|
65 - 70
|
Hình : Phòng nuôi chim con ở giai đoạn mới nở đến 30 ngày tuổi
Đối với nuôi chim con ở giai đoạn sau 30 ngày tuổi đến lúc chim tập bay, diện tích phòng nuôi phải rộng, thông thoáng, bố trí số lượng chim nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, phải điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng theo từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển của chim con, từng bước tập cho chim con thích nghi dần với môi trường tự nhiên.
Hình : Phòng nuôi chim con ở giai đoạn 30 ngày tuổi đến lúc tập bay
Nhà lưới tập bay: giúp chim con tập bay và thích nghi với môi trường sống tự nhiên cũng như phản xạ bắt mồi tự nhiên.
Hình : Nhà lưới tập chim con bay ngoài trời
3. Dụng cụ và thiết bị nuôi chim
a) Hệ thống, thiết bị trong phòng nuôi
Phòng nuôi phải có hệ thống quạt hút, cửa sổ để không khí trong phòng được trao đổi với bên ngoài giúp loại bỏ khí độc ra bên ngoài.
Máy tạo độ ẩm: để tạo độ ẩm trong phòng, bố trí 2 máy/phòng nuôi.
Quạt phun ẩm: quạt gió kết hợp với phun ẩm làm cho không khí và hơi ẩm trong phòng được lưu thông tốt hơn.
Hệ thống gia nhiệt: hệ thống gồm hộp điều khiển và thiết bị gia nhiệt. Thiết bị gia nhiệt có công suất từ 1.200 - 1.500 W. Phòng nuôi diện tích 20 m2 đặt 2 - 3 thiết bị sưởi công suất 1.500 W.
Hình: Hộp điều khiển và thiết bị gia nhiệt trong phòng chim
b) Thiết bị và dụng cụ nuôi chim
Giá tổ: được thiết kế để thuận tiện cho việc treo tổ mô phỏng. Giá tổ có kích thước cao 1,60 m, dài 2,0 m, bề ngang 8 cm.
Hình: Giá tổ nuôi chim
Tổ mô phỏng: tổ được làm từ nhựa cứng, có kích thước và hình dáng tương tự tổ yến. Có dán miếng lót được làm từ vải bố hay khăn bông, có tác dụng giữ ấm cho chim con.
Hình: Tổ mô phỏng có miếng lót làm từ khăn bông
Máy úm chim con: dùng để nuôi chim con từ giai đoạn 1 đến 7 ngày tuổi.
Hình: Máy úm chim từ 1 đến 7 ngày tuổi
c) Thiết bị và dụng cụ vệ sinh sát trùng
Khay nhúng chân có nước sát trùng được đặt trước cửa ra vào của khu nuôi chim và phòng nuôi chim, hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào khu vực nuôi chim.
Bình xịt 10 lít để xịt các hóa chất khử trùng trong và ngoài phòng chim.
Đồ bảo hộ dùng để mặc khi tiến hành xịt thuốc khử trùng.
3. Công tác vệ sinh và khử trùng
a) Công tác vệ sinh và khử trùng khu vực xung quanh nhà ấp và nuôi nhân tạo chim yến
Thường xuyên dọn vệ sinh, phát hoang bụi rậm xung quanh khu vực nhà ấp và nuôi nhân tạo chim yến.
Rải vôi bột xung quanh nhà ấp và nuôi nhân tạo chim yến với bán kính 5m, liều lượng 2 kg vôi bột/10 m2 định kỳ 1 lần/ tháng.
Phun thuốc sát trùng xung quanh nhà ấp và nuôi nhân tạo chim yến với bán kính 20 m, liều lượng 100 g với 20 lít nước (1:200) định kỳ 1 lần/tuần.
Phun thuốc diệt gián, kiến xung quanh nhà ấp và nuôi nhân tạo chim yến, liều lượng 4 g thuốc/1 lít nước, phun 50 ml dung dịch trên 1 m2 ở các khu vực mà loài này thường ẩn náu: trần, vách, cửa ra vào, cửa sổ… định kỳ 1 lần/tháng.
Kiểm soát và tiêu diệt động vật gây hại như: rắn, chuột…
Quản lý ô nhiễm chất thải: dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày rác thải và chất thải của chim yến.
b) Công tác vệ sinh và khử trùng phòng ấp và nuôi chim
Công tác vệ sinh và khử trùng phòng ấp và nuôi được tiến hành trong suốt quá trình ấp và nuôi nhân tạo chim yến, gồm các bước như sau:
- Dùng cloramin B 1% phun xịt sát trùng toàn bộ các phòng ấp và phòng nuôi trước khi đưa vào sử dụng 3 - 4 ngày. Dùng 10 g cloramin B cho vào1 lít nước, sau đó pha thêm 9 lít nước, phun các phòng ấp nuôi trước khi đưa vào sử dụng. Bố trí chậu, hố sát trùng để nhúng giày dép trước khi vào khu vực ấp nuôi chim con, dung dịch sát trùng với tỷ lệ 2%: 1 g/5 lít nước.
- Thu gom phân chim, rác thải, vệ sinh quét dọn sàn nhà, tường và trần nhà, trang thiết bị kỹ thuật trong phòng nuôi hàng ngày để giảm mùi hôi và tránh sự ô nhiễm làm ảnh hưởng đến chim con cũng như người nuôi. Lau dọn, vệ sinh bằng thuốc sát trùng hàng ngày với tỷ lệ 2%: 20 g/10 lít nước và phun xịt bằng dung dịch sát trùng 1 lần/tuần, phun lên vách phòng nuôi, cửa sổ, cửa thông gió…
- Vệ sinh thùng cactong nuôi chim: tiến hành hàng ngày, thay lót hứng phân, thay khi thùng bẩn.
- Vệ sinh giá nuôi chim: tiến hành 2 - 3 ngày vệ sinh một lần bằng dung dịch sát trùng 1%.
- Vệ sinh dụng cụ nuôi chim: tất cả dụng cụ nuôi chim sau khi cho chim ăn xong phải vệ sinh sạch sẽ và phơi nắng, tiệt trùng bằng nước sôi trước khi chuẩn bị cho lần tiếp theo.
- Vệ sinh tổ mô phỏng: vệ sinh tổ mô phỏng nuôi chim hàng ngày, thay tổ khi tổ bẩn hoặc chim con cảm thấy khó chịu khi nằm trong tổ. Khi thay tổ nên cẩn thẩn, nhẹ nhàng để giảm ảnh hưởng đến sức khỏe và bộ móng chân của chim con.
Nguồn: Kỹ Thuật Nuôi Chim Yến – Khoa Học Và Thực Tiễn.