Kỹ thuật tập bay cho chim yến

19/09/2019

Chim sau 37 ngày tuổi, 2 cánh chéo nhau giống như chim trưởng thành và có hiện tượng vỗ cánh muốn bay thì được đưa lên giá tổ tập bay. Lúc này chim được nuôi theo điều kiện môi trường, huấn luyện cho chim bắt đầu tập cho chim bắt mồi thích nghi với môi trường sống trong tự nhiên.

Chuẩn bị nhà lưới tập bay

- Nhà lưới tập bay được thiết kế với diện tích tùy thuộc vào nhà nuôi chim yến, có diện tích tối thiểu 25- 30 m2 trở lên, chiều cao 3,5 - 4,0 m. Được thiết kế theo kiểu có mái che hoặc theo kiểu ngoài trời.

- Xung quanh nhà lưới bố trí các ống phun sương, độ cao khoảng 2,0 m, được thiết kế tự động phun khoảng 5 - 10 phút/lần, khoảng cách giữa các lần phun là 2 giờ, bắt đầu từ lần cho ăn đầu tiên đến lần cho ăn cuối cùng trong ngày.

- Bên trong nhà lưới trồng các loại cây thu hút côn trùng và hồ nước nhằm tạo sinh cảnh, môi trường sinh sống của côn trùng bay và tạo điều kiện cho chim tập bay dần thích nghi với môi trường tự nhiên.

- Nhà lưới thiết kế có cửa ra vào, cửa phải được khép kín đảm bảo an toàn cho chim con bên trong nhà lưới, thuận tiện khi nhân viên kỹ thuật ra, vào nuôi chim.

Nhà lưới   Nhà lưới

Hình: Mô hình nhà lưới nuôi chim yến

Các phương pháp phòng chống địch hại:

- Xung quanh nhà lồng được giăng kín bằng lưới nhựa có ô lưới nhỏ khoảng 1-2 mm, giúp chim tập bay bám được trên lưới, không bị dính móng chân và tránh được các loại côn trùng, bò sát đi vào lồng nuôi chim tập bay.

- Phía dưới chân nhà lồng được bọc thêm một lớp lưới bằng kẽm có ô lưới nhỏ khoảng 1,0 - 1,5 cm, nhằm tránh các loại thiên địch của chim yến xâm nhập vào nhà lưới.

- Ngoài các biện pháp trên nên thực hiện việc đánh bẫy, bẫy keo chuột, rắn mối, tắc kè… xung quanh nhà lưới.

Bên trong   Bên ngoài

Hình: Hình chụp bên trong và bên ngoài chân nhà lồng bằng lưới thép

Công tác vệ sinh khử trùng định kỳ:

- Rải vôi khử trùng xung quanh nhà lồng trước khi được đưa vào sử dụng. Rải vôi cách chân nhà lồng khoảng 10 cm và chiều rộng đường rải vôi khoảng 10-15 cm.

- Nhà lưới được phun xịt định kỳ các loại thuốc diệt côn trùng như: kiến, gián… Phun thuốc vệ sinh khử trùng theo định kỳ 1 lần/tuần.

- Công tác vệ sinh toàn bộ nhà lồng được thực hiện 1 lần/tuần, bao gồm vệ sinh sàn, các tấm lưới ngay phía dưới chỗ chim bám nhiều và khu vực hồ nước, cây trồng.

Chuẩn bị thức ăn nuôi chim tập bay

- Thức ăn cho chim tập bay trong nhà lưới bao gồm: trứng kiến, dế, thức ăn nhân tạo… Cho chim ăn từ 3 - 4 lần/ngày, khối lượng thức ăn mỗi lần ăn theo nhu cầu của chúng. Các loại vitamin, khoáng chất được bổ sung sẵn vào trong thức ăn.

- Ngoài các loại thức ăn trên, bên trong nhà lưới còn bổ sung nuôi thêm côn trùng bay, nhằm tạo cho chim khả năng tập bắt mồi như: ruồi giấm, ruồi lính đen… Số lượng các khay côn trùng trong nhà lồng 30 m2 vào khoảng 30 - 40 khay chứa nhiều ấu trùng ruồi giấm và ruồi lính đen.

Thức ăn tập bay     Thức ăn tập bay

Hình: Bên trong nhà lưới nuôi chim con

Nuôi chim tập bay trong nhà lưới

- Sau khi chim con đã bay khỏe và có sức khỏe tốt, chim con sẽ được chuyển vào nhà lưới để làm quen với môi trường tự nhiên, từng bước thích nghi với điều kiện ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm của môi trường.

- Ngoài việc cho chim con ăn, khi nuôi chim con trong nhà lưới còn phải kiểm tra khu vực nuôi, điều kiện vệ sinh, tình trạng sức khỏe chim, cách thức chim tiếp nhận thức ăn, tập tính bay lượn, thời gian bay, địch hại… mà có phương pháp điều chỉnh kịp thời.

- Nên bố trí phun sương cho chim 1 hoặc 2 lần trong ngày, tập cho chim con rỉa lông, rỉa cánh thường xuyên, đồng thời bộ lông chim con sẽ bóng mượt và bay khỏe hơn.

- Ở trong nhà lưới, chim thường bay nhiều vào lúc sáng sớm và những lúc phun sương, chúng thường bay xung quanh các vòi phun sương hoặc bám lên vòi phun sương, do đó cần quan sát kỹ và điều chỉnh thời gian tắt, mở hệ thống phun sương hợp lý, tránh thời gian mở quá lâu, chim ham nước nên dễ bị ướt lông làm cho chim con không bay được.

- Thường xuyên quan sát trạng thái và màu phân chim, nếu phân chim chuyển sang màu hồng nhạt do chim con tự bắt mồi thì lên kế hoạch thả chim vào nhà yến, phòng nuôi chim yến để di đàn, nhân đàn, vì lúc này chim con đã có phản xạ bắt mồi tốt hơn.

Nguồn: Kỹ Thuật Nuôi Chim Yến – Khoa Học Và Thực Tiễn.

Chia sẻ nội dung:

Thiết kế và phát triển SweetSoft

server-notice