Quá trình nuôi dưỡng chim con qua các giai đoạn phát triển

19/09/2019

Quy trình nuôi chim con dựa trên cơ sở quan sát chim mẹ nuôi chim con ở các hang đảo và nhà yến bằng camera hồng ngoại, cộng thêm những điều kiện thực tế trong quá trình ấp nuôi nhân tạo chim con trong nhà và các đặc điểm sinh học về: dinh dưỡng, sinh trưởng, phát triển và tập tính sinh sống của chim yến nói riêng cũng như các loài chim khác sử dụng côn trùng làm thức ăn nói chung. Đồng thời còn căn cứ vào sự phân loại theo mức độ phát triển của chim non mới nở: chim non khỏe và chim non yếu. Chim yến mới nở thuộc vào loại chim non yếu, chim mới nở toàn thân trần trụi, não bộ và các giác quan chưa phát triển đầy đủ, mắt chưa mở, chân và cánh còn rất yếu, nhiệt độ cơ thể chưa ổn định nhưng cơ quan tiêu hóa đã khá phát triển so với các bộ phận khác. Chim yến con ngoài tự nhiên phải được chim bố mẹ nuôi nấng và chăm sóc một thời gian đến khi mở mắt, tai tinh và lông mọc đầy đủ mới rời tổ.

a) Giai đoạn 1 - 5 ngày tuổi

- Khối lượng chim: 1,66 - 2,54 g.

- Đặc điểm: Chim con mới nở trần trụi, da màu hồng nhạt, hơi nhăn nheo và nằm trong tư thế phôi (đầu cúi sát bụng), từ lúc mới nở đến 5 ngày tuổi chim chỉ tăng khối lượng cơ thể và ít có sự thay đổi về đặc điểm bên ngoài.

chim 1 ngày tuổi    chim 5 ngày tuổi

     Hình: Chim con 1 ngày tuổi                              Hình: Chim con  5 ngày tuổi

- Thức ăn: cho chim ăn chủ yếu bằng trứng kiến vàng nhằm bổ sung nước và kích thích hệ tiêu hóa của chim. Khối lượng thức ăn trong một lần ăn chiếm khoảng 6 - 8,6% trọng lượng cơ thể chim.

- Số lần ăn: cho chim con ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 5 - 6 lần/ngày.

- Phương pháp cho ăn: Chim con mới nở được đưa vào tổ mô phỏng và nuôi trong máy úm, khoảng 12 giờ sau khi nở sẽ cho chim ăn miếng đầu tiên. Kỹ thuật viên dùng dụng cụ chuyên dụng gắp trứng kiến vàng và đút cho chim con ăn. Lượng thức ăn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, khả năng tiếp nhận thức ăn của chim con và định mức thức ăn hàng ngày của chúng.

- Chế độ chăm sóc:

+ Khi chuyển chim con vào tổ mô phỏng thao tác phải cẩn thận, nhẹ nhàng và tránh làm hỏng bộ móng chân của chim con.

+ Chim con hay đòi ăn nên thường xoay trở nhiều trong tổ, vì vậy cần kiểm tra thường xuyên và điều chỉnh để móng chân chim bám chắc vào tổ.

+ Trong giai đoạn này chim rất dễ bị lạnh nên cần phải đảm bảo nhiệt độ đủ ấm cho chim con, thường xuyên theo dõi mọi cử động của chim con để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Nhiệt độ thích hợp là 31,5 - 32,5oC và độ ẩm thích hợp là 70 -75%. Tuy nhiệt độ là yếu tố cần thiết nhưng phải đảm bảo đủ độ thoáng khí phù hợp cho chim.

+ Phòng nuôi thông thoáng sẽ giảm thiểu sự phát triển của nấm và vi sinh vật có hại gây ra các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa cho chim con. Bên cạnh đó, điều kiện ánh sáng trong phòng nuôi phải tối (5 - 20 lux), phòng nuôi phải yên tĩnh để tránh stress vì chim con chưa mở mắt.

Cho chim ăn     Cho chim ăn

Hình : Kỹ thuật viên cho chim con ăn

b) Giai đoạn 6 - 13 ngày tuổi

- Khối lượng chim: 2,90 - 6,84 g.

- Đặc điểm: Mầm lông (chấm li ti màu đen nhạt) bắt đầu xuất hiện dưới lớp da ở lưng, cánh và đầu. Đến 10 ngày tuổi, mầm lông mới bắt đầu nhú ra khỏi da. Chim đã bắt đầu cứng cáp hơn. Mép mỏ và giò đã bắt đầu phát triển.

6 ngày tuổi    13 ngày tuổi

Hình: Chim con 6 ngày tuổi                               Hình: Chim con 13 ngày tuổi

- Thức ăn của chim đa dạng hơn nhằm bổ sung đủ dưỡng chất giúp chim sinh trưởng phát triển tốt.

Ngoài trứng kiến vàng, cho chim ăn thêm thức ăn hỗn hợp, gồm: dế, sâu gạo, ấu trùng ruồi lính đen và cám tổng hợp. Đồng thời, bổ sung hỗn hợp các vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng và giảm stress cho chim con.

+ Lượng thức ăn cho mỗi lần ăn chiếm khoảng 9,0 - 12,3% trọng lượng cơ thể chim.

+ Các nguyên liệu được làm chín và xay nhỏ để giúp chim con tiêu hóa được dễ dàng, đồng thời cung cấp hàm lượng protein và lipid cần thiết cho chim.

- Số lần ăn: cho chim ăn từ 4 - 5 lần/ngày.

 - Phương pháp cho ăn:

+ Thức ăn hỗn hợp được tạo thành cục mồi phù hợp với miệng chim, đồng thời khi mớm mồi cho chim phải chính xác vì đầu chim thường lắc lư để tránh làm tổn thương chim.

+ Chế độ dinh dưỡng của chim bắt đầu thay đổi nên lượng thức ăn và khoáng chất bổ sung cũng tăng lên.

- Chế độ chăm sóc:

+ Chuyển chim ra khỏi máy úm và nuôi trong phòng ở nhiệt độ 30 - 31oC, độ ẩm 70 - 75%.

+ Thường xuyên theo dõi tình trạng chim, điều chỉnh vị trí chân và móng chim.

+ Giai đoạn này vẫn cần giữ ấm để ổn định thân nhiệt cho chim con.

c) Giai đoạn 14 - 21 ngày tuổi

- Khối lượng chim: 7,61 - 11,81 g.

- Đặc điểm: Chim bắt đầu đâm lông và nhiều ống lông nhú ra khỏi da: đầu tiên là lông tơ dưới bụng, sau đó tới phiến lông trên đầu, lưng, cánh và lông đuôi cũng nhú ra khỏi ống lông. Đây là giai đoạn chim con có sự thay đổi về đặc điểm bên ngoài rõ rệt nhất.

14 ngày    21 ngày

Hình: Chim con 14 ngày tuổi                           Hình: Chim con 21 ngày tuổi

- Thức ăn: đa dạng loại thức ăn, bao gồm trứng kiến vàng và thức ăn hỗn hợp, gồm: dế, sâu gạo, ấu trùng ruồi lính đen, các loại côn trùng… và cám tổng hợp. Đồng thời, thức ăn còn được bổ sung thêm hỗn hợp các vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng và giảm stress cho chim con.

+ Lượng thức ăn cho mỗi lần ăn chiếm khoảng 8,3 - 11,0% trọng lượng cơ thể chim.

Số lần ăn và phương pháp cho ăn giống giai đoạn 6 - 13 ngày tuổi.

Chế độ chăm sóc:

+ Chim rất háu ăn nên sau khi cho chim con ăn xong cần quan sát tình trạng tiếp nhận và tiêu hóa thức ăn của chim để tránh tình trạng chim bị ngạt và có tiêu hóa được thức ăn hay không.

+ Thức ăn hỗn hợp dễ dính vào miệng và lông chim nên cần chú ý vệ sinh cho chim sau khi ăn.

+ Giai đoạn này chim rất mẫn cảm với thời tiết, do đó cần chế độ chăm sóc, bổ sung vitamin B complex nhằm hỗ trợ và tăng cường sức đề kháng cho chim con. Đảm bảo được nhiệt độ phòng nuôi và độ thông thoáng phù hợp. 

d) Giai đoạn 22 - 30 ngày tuổi

- Khối lượng chim: 12,01 - 13,04 g.

- Đặc điểm: Lông bắt đầu phủ kín toàn cơ thể và chim đã bắt đầu mở mắt.

22 ngày    30 ngày

Hình: Chim con 22 ngày tuổi                            Hình: Chim con 30 ngày tuổi

- Thức ăn: giống giai đoạn 14 - 21 ngày tuổi. Tuy nhiên các nguyên liệu trong hỗn hợp thức ăn có thể thay đổi hàm lượng, ví dụ: tăng hàm lượng ấu trùng ruồi lính đen để cung cấp thêm hàm lượng lipid đáp ứng cho sự phát triển và hoàn thiện bộ lông, tăng hàm lượng trứng kiến để cung cấp thêm nước cho chim con. 

- Số lần ăn: cho chim ăn 4 lần/ngày.

- Phương pháp cho ăn giống các giai đoạn trên nhưng lượng thức ăn cho mỗi lần ăn chiếm khoảng 6,0-9,3% trọng lượng cơ thể chim.

- Chế độ chăm sóc:

+ Chim con từ 25 ngày tuổi trở lên được đưa lên giá tổ với độ cao từ 1-1,6 m để chim tập làm quen với độ cao và tập bay, bố trí khoảng cách giữa các tổ cách xa hơn (13-15 cm) vì giai đoạn này phần lông cánh phát triển mạnh, chim có thể vỗ cánh tập bay nên phần lông cánh của chim con sẽ đụng vào nhau.

+ Các nguyên liệu trong hỗn hợp thức ăn có thể thay đổi hàm lượng, ví dụ: tăng hàm lượng ấu trùng ruồi lính đen để cung cấp thêm hàm lượng lipid đáp ứng cho sự phát triển và hoàn thiện bộ lông, tăng hàm lượng trứng kiến để cung cấp thêm nước cho chim con.

+ Nhiệt độ phòng nuôi cần duy trì ở 30-31oC.

Chim con treo trên giá tổ

Hình: Chim con được treo trên giá tổ

e) Giai đoạn 31 - 45 ngày tuổi (chim chuẩn bị rời tổ)

- Khối lượng chim: 13,10 - 12,46 g.

- Đặc điểm: Lông chim bung đều và đến 37 ngày tuổi bộ lông được tạo thành khá hoàn chỉnh. Chim bắt đầu đu tổ và vỗ cánh tập bay. Một số chim con có thể bay được trong giai đoạn này. Chim con giảm trọng lượng cơ thể, các vẩy sừng bao bọc lông ống ở cánh và ở đuôi bắt đầu bong hết ra, bộ lông bóng mượt hơn.

31 ngày tuổi     45 ngày tuổi

Hình: Chim con 31 ngày tuổi                             Hình: Chim con 45 ngày tuổi

- Thức ăn: giống giai đoạn 22 - 30 ngày tuổi. Nhưng thành phần thức ăn từ côn trùng tự nhiên sẽ được cung cấp đa dạng hơn. Điều này sẽ tạo cho chim dễ thích nghi hơn với môi trường tự nhiên.

Kỹ thuật viên chăm sóc chim non

Hình: Kỹ thuật viên đang cho chim yến con ăn

- Số lần ăn: cho chim ăn 3 lần/ngày. Nguyên nhân của việc giảm số lần cho ăn là do giai đoạn này chim chuẩn bị rời tổ nên có xu hướng giảm nhẹ khối lượng cơ thể để chuẩn bị cho quá trình tập bay được dễ dàng hơn.

- Phương pháp cho ăn giống các giai đoạn trên. Đồng thời, lượng thức ăn cho mỗi lần ăn chiếm khoảng 5,0 - 5,5% trọng lượng cơ thể chim.

- Chế độ chăm sóc:

+ Khi chim con tập bay, dùng bình phun sương tắm cho chim con 2 lần/ngày (chỉ phun tạo ẩm cho bộ lông chim chứ không phun ướt đẫm) nhằm giúp cho bộ lông chim được bóng mượt hơn và tạo phản xạ rỉa lông cho chim con.

+ Giai đoạn này chim chuẩn bị rời tổ nên có xu hướng giảm nhẹ khối lượng cơ thể và ăn ít lại để chuẩn bị cho quá trình tập bay được dễ dàng hơn.

+ Giai đoạn này có một số chim con bay sớm và bay tốt (khoảng 42 - 43 ngày tuổi) thành thục nên rất khó cho những con chim này ăn, vì vậy cần cho chúng ăn nhiều lần, đảm 

bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho chim. Đồng thời, tạo phản xạ có điều kiện cho chim tập trung lại một chỗ khi cho ăn sẽ thuận lợi cho việc quản lý công tác cho ăn và chăm sóc.

Nguồn: Kỹ Thuật Nuôi Chim Yến – Khoa Học Và Thực Tiễn.

Chia sẻ nội dung:

Thiết kế và phát triển SweetSoft

server-notice