Thiết kế mô hình nuôi

20/09/2019

Thiết kế mô hình nuôi

Căn cứ công thức nhiệt lượng truyền qua phương thức dẫn nhiệt từ bề mặt nóng sang bề mặt lạnh của một vật liệu được tính theo công thức Fourier:

Q = k.A.(Thot − Tcold).t/d

Trong đó:

Q

=  nhiệt lượng;

k

=  hệ số dẫn nhiệt;

A

=  diện tích bề mặt;

Thot

=  nhiệt độ bề mặt nóng;

Tcold

=  nhiệt độ bề mặt lạnh;

t

=  thời gian dẫn nhiệt;

d

=  khoảng cách giữa hai bề mặt.

Để giảm lượng nhiệt Q thì ta cần chọn những vật liệu nào có hệ số dẫn nhiệt k thấp hoặc tăng chiều dày d khoảng cách hai bề mặt (vách, tường nhà yến, hang yến), hoặc giảm diện tích tiếp xúc bề mặt nóng A nghĩa là hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu trực diện vào những mảng tường có diện tích lớn, nhất là vào lúc từ 10h đến 15h trong ngày. Tùy vào điều kiện khí hậu tại vị trí đặt nhà yến cụ thể mà ta chọn phương án thiết kế, đặt hướng nhà yến nào cho phù hợp và hiệu quả. Thông thường chọn chiều dài nhà yến theo hướng đông - tây. Trường hợp không có sự lựa chọn hướng nhà thì phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật chống nóng cho ngôi nhà yến, do đó chi phí xây dựng sẽ cao hơn.

Hệ tọa độ

Sơ đồ vị trí đất xây dựng nhà nuôi chim yến

Nhà yến ở khu vực có nhiệt độ trung bình hàng năm cao hơn 27oC

Thiết kế, xây dựng nhà yến nằm trong vùng này nên sử dụng vật liệu có hệ số dẫn nhiệt thấp, thiết kế hệ thống đối lưu không khí có tiết diện hút gió lớn để dễ dàng thoát nhiệt trong nhà yến, đồng thời có sử dụng hệ thống phun sương để tạo độ ẩm trong nhà, hạ nhiệt độ khi cần thiết, ngoài ra còn thiết kế các hồ nước trong nhà để tạo ẩm và tạo không khí mát mẻ trong nhà. Trồng cây xung quanh nhà rất hiệu quả cho việc tạo không khí mát mẻ cho ngôi nhà. Nhà yến nằm trong vùng này cần thiết kế có chiều cao tầng dao động từ 3,6 đến 4,5 m.

Mặt cắt

Mặt cắt mô hình nhà yến vùng nhiệt độ trung bình hàng năm cao hơn 27oC

Nhà yến ở khu vực có nhiệt độ trung bình hàng năm thấp hơn 27oC

Thiết kế, xây dựng nhà yến nằm trong vùng này cần thiết kế hệ thống đối không khí có tiết diện hút gió nhỏ để ít bị tác động nhiệt độ từ ngoài vào bên trong nhà yến, đồng thời hạn chế sử dụng hệ thống phun sương khi vào mùa lạnh cũng như hạn chế thiết kế các hồ nước trong nhà. Nhà yến nằm trong vùng này cần thiết kế có chiều cao tầng giao động từ 3,0 đến 3,6 m, cần thiết phải ngăn nhiều phòng để tạo sự ấm áp cho ngôi nhà, diện tích một phòng khoảng 16 m2 (4x4 m).

thấp hơn 27 độ CMặt cắt mô hình nhà yến vùng nhiệt độ trung bình hàng năm thấp hơn 27oC

Nhà yến ở khu vực có biên độ nhiệt độ giao động lớn hơn 12 oC

Thiết kế, xây dựng nhà yến nằm trong vùng này thiết kế hệ thống đối lưu không khí có thể điều chỉnh (đóng, mở) tiết diện hút gió. Khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 22oC chúng ta đóng cửa lấy gió, khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn 33oC chúng ta mở cửa lấy gió và đồng thời sử dụng hệ thống phun sương để tạo độ ẩm, làm mát nhiệt độ không khí trong nhà. Nhà yến nằm trong vùng này cần thiết kế có chiều cao tầng dao động từ 3,6 đến 4,0 m, chiều rộng một phòng từ 5 m trở lên, rộng hơn thì càng tốt.

Điển hình các vùng có nhiệt độ biến động cao như các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ từ Huế đến Thanh Hóa, nhiệt độ vào mùa hè cao (38-400C), vào mùa đông nhiệt hạ thấp (12-150C), áp dụng trường hợp này ta xây nhà yến có các phòng rộng với chiều cao khoảng 3,9m đến mùa hè chúng ta mở các cửa thông gió còn mùa đông chúng ta đóng các cửa thông gió lại hạn chế nhiệt lạnh tràn vào nhà yến.

lớn hơn 12 độ CThiết kế phòng lớn cho vùng nhiệt độ có sự dao động mạnh

Ghi chú: Các thông số về hệ số dẫn nhiệt của vật liệu cần tham khảo tại TCVN 4605: 1988 kỹ thuật nhiệt - kết cấu ngăn che - tiêu chuẩn thiết kế.

Vị trí và hướng lỗ chim vào nhà yến

Hướng lỗ chim bay phải tránh các vật cản trên đường bay của chim như nhà cao tầng, cây cao, phải có sân bay lượn cho chim phía ngoài lỗ ra vào và vị trí đặt lỗ cách trần 50 cm. Theo kết quả thực nghiệm và khảo sát đánh giá cho thấy lỗ chim ra vào được đặt theo các hướng phổ biến như sau: đông, nam, bắc, đông bắc, đông nam. Lỗ chim bay vào nhà yến phải thuận chiều theo vòng đảo lượn của chim đến các phòng ở bên trong.

Thiết kế chuồng cu cho ngôi nhà yến:

Chuồng cu là khu vực được xem là sảnh đón của một ngôi nhà yến, nó cần có một không gian rộng, không có vật cản khi chim đảo lượn trong phòng. Hiện nay có 2 dạng chuồng cu:

* Chuồng cu dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông: Kích thước tối thiểu là 4 x 4 m, chiều cao của chuồng cu là 3 - 4 m.

Ưu và nhược điểm: thi công nhanh, nhưng bị hạn chế là cửa chim vào chỉ bố trí được 4 hướng và hình dạng chuồng cu không phù hợp với vòng lượn của chim.

Hướng vào nhà yến

Mô hình nhà yến chuồng cu hình chữ nhật

* Chuồng cu dạng hình tròn: Đường kính tối thiểu là 4 m, chiều cao của chuồng cu là 3 - 4 m.

Ưu và nhược điểm: cửa chim ra vào có thể bố trí vô số hướng, hình dạng chuồng cu phù hợp với vòng lượn của chim nhưng thi công chậm hơn và khó áp dụng cho ngôi nhà làm bằng vật liệu nhẹ.

Hình tròn

Mô hình nhà yến chuồng cu hình tròn

Hệ thống đối lưu không khí

Việc đối lưu không khí cho nhà yến rất quan trọng, nó làm tăng lượng oxy trong nhà yến và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong nhà yến.

Tùy theo khu vực cụ thể mà ta có các phương án thiết kế hệ thống đối lưu nhiệt cho phù hợp.

* Phương án 1: Tại những khu vực ít gió, nhiệt độ trung bình hằng năm cao thì thiết kế hệ thống đối lưu không khí được xây dựng bằng gạch và bêtông (như hình bên dưới) có tiết diện lấy gió là 0,2x0,8 m; tường ngăn ánh sáng xây bằng gạch ba mặt bên và che ánh sáng mặt trên bằng đan bêtông . Hệ thống này cũng được làm gồm hai dãy có dãy lỗ thứ nhất cách trần 0,5 m, dãy lỗ thứ 2 cách nền nhà 1 m, khoảng cách mỗi lỗ cách nhau khoảng 4 m.

Ưu điểm của hệ thống này là tiết diện lấy gió lớn. Nhược điểm là tốn kém vật liệu, khó thi công.

Thông gióThiết kế hệ thống thông gió theo phương án 1

* Phương án 2: Tại những khu vực nhiều gió, nhiệt độ trung bình hàng năm thấp thì hệ thống đối lưu không khí được thiết kế lắp bằng ống PVC có đường kính 114 mm. Hệ thống này gồm hai dãy ống song song có dãy ống thứ nhất cách trần 0,5 m, dãy ống thứ 2 cách nền nhà 1 m. Khoảng cách giữa hai ống kế tiếp cách nhau 2 m.

Ưu điểm của hệ thống này là thi công đơn giản, ít tốn kinh phí. Nhược điểm là diện tích lấy gió kém hơn, phát âm thanh tiếng hú gió khi gặp gió mạnh.

* Phương án 3: Tại những khu vực có biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày lớn và lượng gió thường hay thay đổi theo mùa trong năm thì ta thiết kế hệ thống đối lưu không khí như phương án 1 nhưng phải thiết kế thêm hệ thống cửa lùa bên ngoài để điều chỉnh tiết diện hút gió theo từng điều kiện khí hậu.

Ưu điểm của hệ thống này là khắc phục tất cả các nhược nhiểm kỹ thuật của hai phương án trên nhưng giá thành cao.

Đối lưuThiết kế hệ thống thông gió theo phương án 2

phương án 3Thiết kế hệ thống thông gió theo phương án 3

Thiết kế giảm ánh sáng trong nhà yến

Môi trường bên trong ngôi nhà yến thích hợp với chim yến sinh sống là nơi tối, có độ sáng từ 0,01 đến 0,2 lux vào ban ngày. Khi thiết kế cần chú ý đến các hệ thống dưới đây sẽ ảnh hưởng đến cường độ ánh sáng trong nhà yến:

* Hệ thống cửa ra vào nhà yến cho người vận hành: cần phải thiết kế hai lớp cửa khi người vận hành bước vào nhà yến, một trong hai cửa phải luôn luôn được đóng kín tránh ánh sáng rọi vào bên trong nhà.

* Hệ thống đối lưu không khí cũng là một trong những vị trí ảnh hưởng đến cường độ ánh sáng trong nhà, do đó việc che sáng hệ thống thông khí là rất quan trọng.

* Hệ thống cửa chim vào cũng là một trong những vị trí cần phải chú ý chọn hướng cửa sao cho ánh sáng mặt trời không rọi trực tiếp vào trong nhà, có thể thiết kế hệ thống mái che sáng cho cửa chim ra vào.

Nguồn: Kỹ Thuật Nuôi Chim Yến – Khoa Học Và Thực Tiễn.

Chia sẻ nội dung:

Thiết kế và phát triển SweetSoft

server-notice